Bao nhiêu doanh nghiệp đã “sập bẫy” Chủ tịch Vigecam Trade?
(Theo báo Giáo dục Việt Nam) Không những sử dụng không đúng mục đích, một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp còn muốn “bán” Trung tâm triển lãm nông nghiệp.
Phi vụ “bất thành” của Vigecam Trade
Ngày 31/8/2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công văn số 2714/BNN-KH gửi Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) với nội dung đồng ý về chủ trương cho phép Vigecam và Trung tâm Xúc tiến thương mại (Triển lãm nông nghiệp) liên kết kinh doanh nhằm phát huy thế mạnh của hai đơn vị và khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có.
Chủ trương của Bộ Nông nghiệp là muốn phát huy hiệu quả nhưng phải giữ nguyên mục đích sử dụng khu đất là triển lãm các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, Vigecam và Trung tâm xúc tiến thương mại lại không làm điều đó mà có “ý định” biến nơi đây thành siêu thị điện máy. Ngày 22/09/2009, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Vigecam đã ký kết một hợp đồng liên kết kinh doanh.
Ngày 09/9/2009, Vigecam có Quyết định giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Phát triển nguồn nhân lực Vigecam (Vigecam Trade) có địa chỉ tại số 16 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) thực hiện liên kết kinh doanh với Trung tâm Xúc tiến thương mại.
Vì tin tưởng vào tài sản Trung tâm Triển lãm nông nghiệp, số 2 Hoàng Quốc Việt thuộc sở hữu của Vigecam Trade nên nhiều doanh nghiệp đã “sập bẫy”. Lúc này, dư luận rộ lên thông tin Vigecam Trade đang rục rịch chuẩn bị các thủ tục để liên kết kinh doanh với một số doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh hàng điện máy, điện tử.
Theo mục 4, Điều 1 của bản hợp đồng giữa Vigecam và Trung tâm Xúc tiến thương mại: “Tiếp tục nghiên cứu báo cáo Bộ cho phép 2 bên liên kết kinh doanh trên diện tích tầng hầm nhà triển lãm rộng 3.500m2, tầng 1 rộng 3.500m2, tầng 3 rộng 2.500m2… trong thời gian không diễn ra triển lãm; đầu tư thêm tầng 4 để chống dột và làm văn phòng” thì thấy việc mở một siêu thị điện tử, điện máy đã được chuẩn bị về thủ tục pháp lý.
Ngay sau đó, Vigecam Trade đã ngang nhiên đứng ra ký hợp đồng với một loạt doanh nghiệp điện tử, điện máy dưới dạng hợp tác kinh doanh. Ngay sau khi phát hiện ra sai phạm của Trung tâm Xúc tiến thương mại và Vigecam, Bộ Nông nghiệp đã có chỉ đạo dừng mọi hợp tác kinh doanh và giữ nguyên mục đích sử dụng của trung tâm là triển lãm, hội chợ… giới thiệu các mặt hàng nông nghiệp.
Lúc này, các doanh nghiệp điện máy, điện tử mới “ngã ngửa” khi biết mình bị Vigecam Trade “lừa đảo” và có đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.
Hàng loạt doanh nghiệp “sập bẫy”?
Một trong những doanh nghiệp có đơn tố cáo Vigecam Trade “chiếm đoạt tài sản” là Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Công ty Sơn Hà). Trong đơn gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Công ty Sơn Hà tố cáo ông Lê Minh Thắng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Phát triển nguồn nhân lực Vigecam có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của Sơn Hà.
Theo nội dung đơn tố cáo, tháng 12/2011, ông Lê Minh Thắng với tư cách là Chủ tịch Công ty Vigecam Trade đã tiếp cận Công ty Sơn Hà và đề nghị hợp tác đầu tư tạo dựng một khu trưng bày sản phẩm Sơn Hà. Cụ thể, ông Thắng cho biết, hiện Vigecam có tài sản là một mặt bằng với diện tích là 1.600m2 nằm trong khuôn viên Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (số 2 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Theo điều kiện mà ông Thắng đưa ra thì để triển khai hợp tác đầu tư, Công ty Sơn Hà phải trả trước cho Công ty Vigecam Trade một khoản tiền đặt cọc và lợi ích kinh doanh là 11.197.235.200 đồng. Tin tưởng những thông tin mà ông Thắng cung cấp, Công ty Sơn Hà đã đồng ý với đề xuất hợp tác.
Ngày 28/12/2011, Công ty Sơn Hà và Vigecam Trade đã ký kết Hợp đồng hợp tác số 01/2012/HĐTT. Ngay sau ký hợp đồng, theo điều kiện mà ông Thắng đưa ra, Công ty Sơn Hà đã lần lượt chuyển cho Công ty Vigecam Trade tổng số tiền ứng trước là hơn 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, ông Thắng đã không thực hiện cam kết. Công ty Sơn Hà đã nhiều lần liên hệ để giải quyết sự việc, nhưng ông Thắng vẫn không thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng. Mặc dù rất bức xúc nhưng Sơn Hà vẫn phải đồng ý thanh lý Hợp đồng số 01/2012/HĐTT với Vigecam Trade.
Ngày 16/11/2012, hai bên đã ký Biên bản thanh lý Hợp đồng. Theo nội dung Biên bản thanh lý, Vigecam Trade có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ Sơn Hà và trả lãi tương ứng với thời gian nhận số tiền này. Cụ thể tổng số tiền gốc và lãi là hơn 12,6 tỷ đồng. Trong vòng 07 ngày, kể từ ngày ký Biên bản thanh lý, Vigecam phải thanh toán 50% số tiền, 50% còn lại sẽ thanh toán trong vòng 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt thanh toán thứ nhất. Tuy nhiên, sau đó ông Thắng cố tình chây ỳ, thoái thác trách nhiệm khi không thực hiện nghĩa vụ của mình.
Lúc này, Công ty Sơn Hà mới tìm hiểu và biết được rằng, Công ty Vigecam Trade không có đủ cơ sở pháp lý để sử dụng diện tích mặt bằng này. Cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp cũng không có chủ trương cho sử dụng diện tích mặt bằng tại số 2 Hoàng Quốc Việt để triển khai kinh doanh khu trưng bày giới thiệu sản phẩm máy móc, thiết bị.
Công ty Sơn Hà cho rằng, ông Thắng đã đưa ra những thông tin gian dối để ký được Hợp đồng hợp tác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Tháng 12/2013, Công ty Sơn Hà đã gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông Lê Minh Thắng đến Công an thành phố Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/11/2014, ông Lê Minh Thắng, Chủ tịch HĐTV Vigecam Trade cho biết: “Chắc phía Công ty Sơn Hà đã cung cấp hết hồ sơ cho Báo rồi… Tài sản đấy (Trung tâm triển lãm nông nghiệp-PV) không phải của cá nhân nào cả, mà là của Nhà nước, tôi chỉ là đại diện quản lý tài sản trên đất thôi, tôi có phải chủ sở hữu đâu? Việc này không liên quan đến cá nhân tôi…”.
Khi phóng viên xác nhận lại thông tin: Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án và đang chờ phê chuẩn của Viện Kiểm sát để khởi tố bị can? Ông Thắng khẳng định: “Nếu có vấn đề gì thì sao tôi lại ngồi đây nói chuyện với anh được?”.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.